Khái niệm marketing

 

Xã hội phát triển tạo cơ hội cho người tiêu dùng có nhiều lựa chọn đối với cùng một loại sản phẩm. Khách hàng trở thành thượng đế và marketing tất yếu ra đời nhằm để lôi cuốn và thu hút khách hàng dựa trên những nghiên cứu khoa học về người tiêu dùng và sự kết hợp các công cụ để thoả mãn nhu cầu người tiêu dùng.

Thuật ngữ marketing có nguồn gốc từ tiếng Anh là “market” nghĩa là “thị trường” dùng để chỉ các hoạt động đang diễn ra trên thị trường. Vì vậy, khái niệm ban đầu của Marketing đơn giản chỉ là hoạt động thị trường [4]. Trong “hoạt động trên thị trường” thì hoạt động trao đổi là hoạt động cơ bản nhất.

Có rất nhiều định nghĩa Marketing nhưng do đứng trên nhiều góc độ và theo những quan điểm riêng của các tác giả mà chưa có định nghĩa nào được coi là duy nhất đúng.

Đến đây, có thể thấy rằng mặc dù khái niệm, câu chữ về marketing có thể thay đổi nhưng bản chất của marketing không đổi và được nhìn nhận trên hai khía cạnh sau: Thứ nhất, marketing là một hệ thống các hoạt động kinh tế nằm trong kế hoạch tổng thể của doanh nghiệp. Các giải pháp về marketing được đưa ra một cách đồng bộ giữa bộ phận sản xuất, bộ phận bán hàng và bộ phận nghiên cứu thị trường; Thứ hai, marketing là sự tác động tương hỗ hai mặt của một quá trình thống nhất. Một mặt, nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và đưa ra định hướng sản xuất theo thị trường có khả năng đáp ứng tốt nhất nhu cầu trên thị trường dựa trên khả năng chủ quan của doanh nghiệp. Mặt khác, nghiên cứu và tìm cách tác động tích cực ngược trở lại thị trường giúp khách hàng nhận ra nhu cầu tiềm ẩn của bản thân rồi từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và thoả mãn nhu cầu của khách hàng.