Cloud Economy

Kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực ngành dệt may ở TQ

Kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực ngành dệt may ở TQ

Ngay từ năm 1978, công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc được tiến hành. Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có quyết định cải cách thể chế giáo dục. Quyết định này đã tạo điều kiện cho công cuộc cải cách giáo dục của Trung Quốc đạt được những thành tựu quan trọng cả về lý luận và thực tiễn. Đặc biệt là thành tựu trong chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực quốc gia cho tương lai.

Đặng Tiểu Bình nói: “Một đất nước có trên 1 tỷ dân, khi giáo dục phát triển thì ưu thế to lớn về nguồn nhân lực con người của nó sẽ không có nước nào sánh nổi”. Trong báo cáo chính trị tại Đại hội XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc nói về mục tiêu của giáo dục đã xác định rõ:”Hình thành hệ thống giáo dục quốc dân hiện đại tương đối hoàn thiện”, “nhân dân có cơ hội tiếp tục giáo dục tốt đẹp… hình thành một xã hội theo mô hình toàn dân học tập, học tập suốt đời thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người, đào tạo ra hàng trăm triệu người lao động có tố chất cao, hàng chục triệu nhân tài chuyên ngành và hàng loạt nhân tài sáng tạo hàng đầu”.

Chính sách của Đảng và Nhà nước Trung Quốc thực chất là chủ trương xã hội hóa giáo dục nhất là trong lĩnh vực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế. Đào tạo được mở ra từ trung ương đến địa phương với tất cả các lĩnh vực, các ngành nghề của nền kinh tế trong đó đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp dệt may.

Kinh nghiệm quý báu rút ra được từ công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ngành dệt may ở Trung Quốc đó là việc xã hội hóa công tác đào tạo: Tất cả các thành phần kinh tế đều được khuyến khích tham gia công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành dệt may. Trong đó có đào tạo nguồn nhân lực dệt may doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân,… đặc biệt có cả kinh tế hộ gia đình tham gia vào công tác đào tạo (đào tạo nhân lực may cung ứng lao động cho các làng, các cụm

dân cư nhỏ sản xuất hàng may mặc).

Hầu hết các doanh nghiệp dệt may lớn đều có trường đào tạo riêng. Công tác đào tạo được triển khai rộng khắp trên tất cả các địa phương trên toàn quốc. Chú trọng đến các vùng sâu vùng xa như: Tân Cương, Nội Mông, Cam Túc, Tây Tạng. Nhờ vậy, ngành công nghiệp dệt may Trung Quốc hiện nay đang đứng đầu thế giới về kim ngạch xuất khẩu. Trung Quốc đã chuyển áp lực dân số đông thành ưu thế nguồn nhân lực.